THAM QUAN THỰC TẾ – MỘT HÌNH THỨC HỌC TẬP BỔ ÍCH LÍ THÚ VỚI HỌC SINH TRƯỜNG THCS NGUYỄN ĐỨC CẢNH
Lượt xem:
Ngày 26 tháng 03 năm 2023, học sinh khối 7 và khối 8 trường THCS Nguyễn Đức Cảnh đã có chuyến tham quan, trải nghiệm tại nhà Đày Buôn Mê Thuột và Bảo tàng Đăk Lăk. Hoạt động nằm trong nội dung giáo dục trải nghiệm môn Lịch sử địa phương của Nhà trường.
Địa điểm đầu tiên trong chuyến tham quan mà học sinh tiếp cận chính là nhà Đày Buôn Mê Thuột. Nhà đày nằm trên số 18 Đường Tán Thuật – Phường Tự An – Thành phố Buôn Ma Thuột. Cách trung tâm thành phố khoảng 1 km về phía Đông Nam. Được bao bọc bởi hai con đường là Tán Thuật và Phạm Hồng Thái. Đây là nơi Thực dân Pháp thiết lập và xây dựng trong giai đoạn 1930 – 1931, để đày biệt xứ và giam giữ những cán bộ, đảng viên bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Trong số họ phần nhiều là những người đi đầu ở các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Học sinh trường THCS Nguyễn Đức Cảnh trước nhà đày Buôn Mê Thuột
Tham quan nhà đày Buôn Mê Thuột, theo chân cán bộ thuyết minh cùng các tranh ảnh và hiện vật, học sinh hiểu sâu sắc về quá trình đấu tranh anh dũng cũng của cán bộ, Đảng Viên và nhân dân ta trong quá trình bị giam giữ tại đây. Bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, tàn bạo, nhiều tù nhân mắc bệnh nguy hiểm, chết dần chết mòn. Thế nhưng sự tàn bạo không đè bẹp được khí tiết và tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cách mạng. Các cuộc đấu tranh của tù chính trị diễn ra thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức. Tù chính trị đã biến nhà tù thành trường học, họ tìm cách học tiếng Êđê để giao tiếp, tuyên truyền, vận động binh lính người Thượng hiểu rõ hơn dã tâm của thực dân Pháp. Sau đó họ ra tờ báo có tên là Yuan – Êđê (tức Việt – Êđê) bằng tiếng Êđê, rồi bí mật chuyền tay cho binh lính. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số tờ báo chép tay chép lại các bài thơ do tù nhân sáng tác nhằm kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp. Trong các dãy lao, tù nhân còn dùng sỏi để thông tin, liên lạc, chẳng hạn như: ném một viên lên trần nghĩa là Toàn quyền tới, hai viên là Khâm sứ tới, nhiều viên được ném đồng loạt là chuẩn bị có một cuộc đàn áp. Cùng với đó, để giữ liên lạc, người tù còn tận dụng đũa, muỗng, guốc khoét lỗ rồi nhét tài liệu, tiền, thuốc men…
Học sinh chuẩn bị bước vào tham quan nhà đày Buôn Mê Thuột
Học sinh lắng nghe cán bộ thuyết minh về những hình thức tra tấn của Thực dân Pháp với Cán Bộ, Đảng viên trong nhà đày
HS nghe cácn bộ thuyết minh giới thiệu về những Cán bộ, Đảng viên dũng cảm đã bị Thực Dân Pháp giam giữ tại nhà đày
Sau khi tham quan nhà đày Buôn Mê Thuột, học sinh di chuyển sang tham quan Bảo tàng Đăk Lăk. Đây là một di tích lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, nằm gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày, gồm Việt, Pháp, Anh và tiếng Ê Đê.
Học sinh trường THCS Nguyễn Đức Cảnh trước bảo tàng Đăk Lăk
Qua sự giới thiệu của các cán bộ bảo tàng, học sinh rất hào hứng và say mê trước không gian của bảo tàng. Không gian rộng lớn được bố trí thành 3 không gian trưng bày với 3 phần nội dung lớn, gồm đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử.
Khu giữa: đa dạng sinh học. Không gian này trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và thổ nhưỡng của Tây Nguyên như các loại rừng và các loại thuốc dân gian; nhiều động vật như gấu chó, báo, chồn bay,…; khu sinh thái thì có hồ Lắk, thác Đray Nur; đất đỏ bazan, đất sét, đất xám,…; hay những vạt cây cà phê và cao su rậm rạp.
Khu bên trái sẽ mang bạn đến với cuộc sống gần gũi của các dân tộc thiểu số. Khu này là văn hóa dân tộc, không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của con người Tây Nguyên tiêu biểu là người Ê Đê bản địa, ngoài ra còn có các dân tộc khác với các dụng cụ như gùi trong nông nghiệp; thuyền độc mộc, giỏ, lao để săn bắn hái lượm; những ghế dài, bếp lửa, hay đồ trang sức có mặt ở tất cả các ngôi nhà dài. Hay bị hớp hồn bởi những bộ trang phục của già làng, thầy cúng, những đồ dệt thổ cẩm, dệt chiếu,…; những cồng chiêng của người Ê Đê và Jarai, những chum rượu đủ mọi kích cỡ,…
Khu bên phải là không gian lịch sử, trưng bày hiện vật, hình ảnh về vật dụng của người cổ đại, vũ khí chiến đấu phục vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình ảnh ốc hóa thạch, những chén đĩa cổ và các dụng cụ trong sinh hoạt thời kháng chiến; các hình ảnh và tư liệu về các chiến dịch trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Học sinh tham quan bảo tàng Đăk Lăk
Học sinh xem phim lịch sử về chiến thắng Buôn Mê Thuột
Hành trình tham quan trải nghiệm tuy ngắn nhưng đã giúp các em có những bài học bổ ích. Thông qua hoạt động tham quan nhà đày, giúp các em khối 7 và khối 8 có thêm những kiến thức lịch sử bổ ích mà khi học tập trên lớp học không có được. Hoạt động tham qua Bảo tàng Đăk Lăk để các em thêm yêu quý trân trọng và phát huy những di sản tự nhiên, văn hóa và lịch sử của các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở Tây Nguyên, giúp cho các em có một cách nhìn toàn diện, đầy đủ về quá trình phát triển của đất nước và con người nơi Tây Nguyên. Đây cũng là một phương pháp dạy học tích cực được giáo viên và học sinh trường THCS Nguyễn Đức Cảnh thực hiện tốt trong những năm qua ở bộ môn Lịch sử. Hi vọng, trong thời gian tới, hoạt động tham quan trải nghiệm sẽ được thực hiện rộng rãi ở các bộ môn khác nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường!
Bài và ảnh: Bùi Thu- Phan Chương và Nguyễn Lành